Quy định về thủ tục nhập khẩu máy móc cũ qua sử dụng
Hiện nay, quy định về thủ tục nhập khẩu máy móc cũ qua sử dụng được quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN.
Với những máy móc, thiết bị hoặc linh kiện thay thế đã qua sử dụng thuộc chương 84, chương 85 của Thông tư này thì khi nhập khẩu về Việt Nam các doanh nghiệp cần lưu ý kỹ.
Dưới đây là nội dung chi tiết thông tư:
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Thông tư này quy định tiêu chí, hồ sơ, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng có mã số HS thuộc Chương 84 và Chương 85 quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01 tháng 7 năm 2015, nhằm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước mà không thuộc các Danh mục hàng hóa cẩm nhập khẩu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định.
- Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sau đây:
- a) Quá cảnh; chuyển khẩu;
- b) Tạm nhập, tái xuất (trừ trường hợp tạm nhập, tái xuất thực hiện các hợp đồng gia công; trường hợp nhập khẩu để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư); tạm xuất, tái nhập;
- c) Thực hiện hợp đồng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng với nước ngoài;
- d) Nhận chuyển giao trong nước từ doanh nghiệp trong các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất (không thuộc khu chế xuất); giữa các doanh nghiệp trong các khu chế xuất với nhau;
đ) Phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được; nhiệm vụ an ninh, quốc phòng theo yêu cầu của các Bộ quản lý chuyên ngành;
- e) Máy móc, thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- g) Máy móc, thiết bị thuộc ngành in, mã số HS 84.40 đến 84.43;
- h) Các trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
- Tổ chức, cá nhân (dưới đây viết chung là doanh nghiệp) nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng.
- Các tổ chức giám định thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo quy định tại Thông tư này.
- Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Máy móc, thiết bị là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế.
- Dây chuyền công nghệ là hệ thống các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt theo sơ đồ, quy trình công nghệ bảo đảm vận hành đồng bộ để sản xuất sản phẩm.
- Linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế là chi tiết, cụm chi tiết cấu thành nên máy móc, thiết bị, được nhập khẩu để thay thế, sửa chữa nhằm bảo đảm hoặc nâng cao hiệu quả, công suất hoạt động của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đang vận hành.
- Linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng là linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế được tháo rời từ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
- Tuổi thiết bị (tính theo năm) là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Năm nhập khẩu là năm hàng hóa về đến cảng Việt Nam.
- Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (sau đây viết tắt là thiết bị đã qua sử dụng) là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi xuất xưởng đã được lắp ráp và vận hành hoạt động.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý việc nhập khẩu
- Thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu phải tuân thủ quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ về nhập khẩu hàng hóa.
- Đối với các thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu đã được quản lý trong các văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì áp dụng theo quy định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
- Không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng thông tin điện tử.
- Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giám định thiết bị đã qua sử dụng từ nước xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa về cảng Việt Nam mới thực hiện giám định, doanh nghiệp nhập khẩu được áp dụng chế độ đưa hàng về bảo quản theo quy định của Thông tư này.
Chương II
YÊU CẦU VỀ NHẬP KHẨU THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
Điều 5. Yêu cầu chung
Thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 6. Yêu cầu cụ thể
- Thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
- a) Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm;
- b) Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp sau:
- a) Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư;
- b) Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ đối với thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất có thể tự nhập khẩu hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác thực hiện việc nhập khẩu.
- Trong trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này đối với thiết bị đã qua sử dụng (thấp hơn 10 năm) và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý.
Chương III
HỒ SƠ, THỦ TỤC NHẬP KHẨU VÀ GIÁM ĐỊNH THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
Điều 7. Hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
Hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng: ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải bổ sung 01 bộ tài liệu bao gồm:
- Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này:
– 01 bản sao chứng thực Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo 01 bản chính Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu trong hồ sơ dự án.
- Đối với các trường hợp khác nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng (kể cả trường hợp dự án đầu tư được chấp thuận theo Quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mà không có Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu): Tài liệu kỹ thuật thể hiện năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu, gồm một trong các tài liệu sau:
- a) 01 bản chính Giấy xác nhận của nhà sản xuất về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị đã qua sử dụng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
- b) 01 bản chính Chứng thư giám định của một tổ chức giám định quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị đã qua sử dụng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
Điều 8. Thủ tục nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
- Cơ quan hải quan căn cứ tài liệu doanh nghiệp nộp, xác định thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, thực hiện thủ tục thông quan theo quy định.
- Đưa hàng về bảo quản:
- a) Trường hợp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà tại thời điểm nhập khẩu chưa có đủ hồ sơ quy định tại Điều 7 Thông tư này, doanh nghiệp được đưa hàng hóa về bảo quản sau khi nộp Cơ quan hải quan các tài liệu sau:
– 01 bản chính Giấy đăng ký giám định có xác nhận đã đăng ký của tổ chức giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này;
– 01 bản chính Văn bản đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản theo mẫu số 09/BQHH/GSQL Phụ lục V, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- b) Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày đưa hàng hóa về bảo quản, doanh nghiệp phải nộp Cơ quan hải quan chứng thư giám định và các tài liệu đã cam kết. Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục thông quan khi thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này.
Trường hợp sau khi giám định có kết quả không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 6 Thông tư này, Cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo các hình thức quy định tại Điều 14 Thông tư này.
Thiết bị đã qua sử dụng đưa về bảo quản chỉ được đưa ra sử dụng, lắp đặt sau khi hoàn tất thủ tục thông quan.
- c) Các thiết bị đã qua sử dụng thuộc dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được phê duyệt hoặc đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án khác hoặc doanh nghiệp khác, trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.
Điều 9. Hồ sơ và thủ tục nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng
- Hồ sơ nhập khẩu: Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu phải bổ sung 01 bộ tài liệu bao gồm:
- a) 01 bản chính Văn bản của doanh nghiệp thuyết minh về việc cần thiết phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận để phục vụ nhu cầu sửa chữa, thay thế đối với thiết bị đã qua sử dụng đang được vận hành tại doanh nghiệp, đồng thời cam kết nhập khẩu đủ số lượng, chủng loại cần thay thế và sử dụng đúng mục đích;
- b) Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu theo ủy quyền, phải bổ sung 01 bản chính Văn bản được ủy quyền của doanh nghiệp sản xuất;
- c) 01 bản sao Tài liệu kỹ thuật của linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế (nếu có).
- Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục thông quan khi hồ sơ đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 3 Điều 6 và khoản 1 Điều này.
Điều 10. Giám định thiết bị đã qua sử dụng
- Chứng thư giám định nêu tại Điều 6 Thông tư này, ngoài các thông tin cơ bản của một chứng thư, phần kết luận phải thể hiện các nội dung sau:
- a) Năm sản xuất và tên gọi, nhãn hiệu, số hiệu, model, tên nhà sản xuất của thiết bị đã qua sử dụng;
- b) Kết luận về sự phù hợp của tiêu chuẩn sản xuất thiết bị đã qua sử dụng với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Tổ chức giám định:
- a) Tổ chức giám định cấp chứng thư giám định nêu tại khoản 1 Điều này bao gồm:
– Tổ chức giám định trong nước, đã đăng ký hoạt động theo Luật Thương mại, có chức năng giám định máy móc, thiết bị;
– Tổ chức giám định nước ngoài, đã đăng ký hoạt động theo luật pháp nước sở tại, nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động giám định, có chức năng giám định máy móc, thiết bị.
- b) Tổ chức giám định gửi thông tin về Bộ Khoa học và Công nghệ để được tổng hợp, công bố trên Cổng thông tin điện tử. Thông tin gồm: Tên tổ chức, địa chỉ, điện thoại, fax, website, bản sao giấy đăng ký kinh doanh theo Luật Thương mại (đối với tổ chức giám định trong nước), bản sao văn bản cho phép hoạt động giám định của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động kèm bản dịch tiếng Việt được hợp pháp hóa lãnh sự (đối với tổ chức giám định nước ngoài); bản chụp mẫu giấy đăng ký giám định; bản chụp mẫu chứng thư giám định.
- Thời hạn hiệu lực của chứng thư giám định:
Đối với hoạt động giám định trước khi hàng hóa về cảng Việt Nam, chứng thư giám định có hiệu lực là chứng thư được cấp cho thiết bị đã qua sử dụng không quá 06 tháng tính từ thời điểm cấp đến thời điểm hàng hóa về đến cảng Việt Nam.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong hoạt động quản lý việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan.
- Định kỳ công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ danh mục thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về an toàn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường đối với thiết bị đã qua sử dụng do doanh nghiệp nhập khẩu khi đi vào hoạt động và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phối hợp với Tổng cục Hải quan định kỳ hàng năm thống kê số liệu về tình hình nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (tên doanh nghiệp nhập khẩu, địa chỉ liên lạc, lĩnh vực sử dụng máy móc, thiết bị, nước sản xuất, giá trị nhập khẩu), các trường hợp vi phạm buộc tái xuất, xử phạt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Tổng hợp, công bố danh sách tổ chức giám định trong nước và nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này (tên, địa chỉ, website, điện thoại, fax, mẫu giấy đăng ký giám định, mẫu chứng thư giám định) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Bộ Khoa học và Công nghệ giao Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ làm đầu mối triển khai thực hiện Thông tư này.
Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Nghiêm túc thực hiện nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
- Doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng vì mục đích thương mại (không trực tiếp sử dụng cho bản thân doanh nghiệp nhập khẩu), chỉ được bán hàng hóa sau khi đã hoàn thành thủ tục thông quan theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
- Chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sau khi thiết bị được thông quan, trong quá trình lắp ráp và vận hành triển khai sản xuất, kinh doanh và chịu xử phạt nếu vi phạm quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Điều 13. Trường hợp đặc biệt
Trường hợp thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, căn cứ hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành xem xét, quyết định.
Điều 14. Xử lý vi phạm
- Trường hợp thiết bị đã qua sử dụng sau khi về cảng, cửa khẩu mà được giám định không đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này, doanh nghiệp phải chịu hình thức xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho phép giám định lại theo đề nghị của doanh nghiệp.
- Trường hợp thiết bị đã qua sử dụng đã được thông quan và đưa về lắp đặt, sử dụng, nếu trong quá trình vận hành không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp
Trường hợp các hợp đồng mua bán đã được ký kết và thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu đã được đưa lên phương tiện vận chuyển trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không thuộc sự điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
- Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các văn bản sau đây hết hiệu lực: Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Thông báo số 2527/TB-BKHCN ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
- Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi, bổ sung Thông tư này cho phù hợp./.